Học Ngoại Ngữ Như Đi Shopping: Ít Mà Chất
5 Bước Xác Định Kiến Thức Thực Sự Cần Thiết CHO BẠN
"Ôi chị ơi em thấy tài liệu nào hay cũng share lại về facebook ý, nhiều lắm, xong chẳng có thời gian mà xem. Có khi cả năm sau FB nhắc lại kỉ niệm cũ, mà em vẫn chưa sờ đến luôn."
Đây là tâm sự của một bạn nữ bị FOMO khi học ngoại ngữ đã chia sẻ với mình. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần "shopping" tài liệu học với cái giá 0 đồng như vậy. Mình đã từng lưu 2GB tài liệu học tiếng Anh trong máy tính luôn ấy @@. Free mà. Cứ down thôi.
Nhưng mà, hãy thành thật với bản thân đi, những tài liệu miễn phí đó đã giúp bạn tiến bộ được bao nhiêu? Hay chúng chỉ nằm im trong thư mục máy tính như những món đồ sale chất đống trong tủ?
Những món đồ giá 0 đồng nhưng không bao giờ dùng đến liệu có phải là deal hời? Khi mỗi lần nhìn thấy nó là một lần chúng ta cảm thấy tự ti xấu hổ về cái trình độ ngoại ngữ mãi vẫn không mấy tiến bộ của bản thân?
Trong bài trước, mình đã chia sẻ về mô hình ghi nhớ Atkinson- Shiffrin của não bộ. Bộ não của chúng ta có một "người gác cổng" rất khó tính, chỉ cho phép những thông tin thực sự có giá trị đi vào trí nhớ dài hạn.
Vậy làm sao để biết đâu là kiến thức "xứng đáng"? Hãy cùng xem xét việc học ngoại ngữ dưới góc nhìn của một "shopping expert" nhé ^^
1. Tải đại tài liệu - căn bệnh của thời đại số
Chúng ta luôn cảm thấy bản thân thiếu thốn điều gì đó, cần mua sắm thêm điều gì đó để nâng cao chất lượng cuộc sống. “Có cái này sẽ tốt hơn, có cái kia sẽ nhàn hơn”. Đây là hệ quả tất yếu của sự bùng nổ các nền tảng bán hàng trên internet. Nhà nhà livestream. Người người livestream. Nhà nhà giảm giá. Người người săn sale. Nhiều người mua đồ vì có sale, vì sợ lỡ mất deal hời chứ chưa cân nhắc đến nhu cầu thực sự của bản thân.
Kiến thức ngoại ngữ còn tệ hơn. Chúng được chia sẻ miễn phí. Các bạn mắc bệnh FOMO trong mua sắm tương tự cũng sẽ có những biểu hiện sau:
Thấy list từ vựng hay là hí hửng share về
Thấy video "Đừng dùng 'very' nữa, hãy thay thế bằng..." là lưu ngay
Tải về hàng chục file PDF "để đó học sau"
Cài đặt đủ loại ứng dụng học ngoại ngữ được giới thiệu
Đăng ký các khóa học online đang giảm giá, thậm chí “đội lốt” học bổng.
"Tủ đồ" ngoại ngữ của các bạn ngày càng phình to, nhưng đến lúc cần thiết vẫn không có gì để “mặc”.
Tiếp tục câu chuyện của bạn nữ FOMO trong câu chuyện ở đầu bài. Khi mình hỏi kỹ hơn về nhu cầu sử dụng tiếng Anh thực tế, bạn nói đối tác của công ty toàn người Hàn, người Trung, những người có trình độ tiếng Anh không quá cao siêu gì. Vậy việc bạn dùng từ vựng cao cấp ít gặp để trao đổi với họ có khác nào việc bạn diện nguyên cây hàng hiệu ngàn đô để cố gây ấn tượng với người không phân biệt được Gucci và Zara không? Điều này không chỉ không giúp bạn thể hiện "đẳng cấp" mà còn làm giảm hiệu quả giao tiếp vì người nghe bối rối và không hiểu bạn đang nói gì. Cuối cùng, bạn vẫn phải quay về dùng những từ đơn giản để họ hiểu.
Chúng ta cứ nghĩ càng nhiều càng tốt, càng cao siêu càng chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, điều đó chỉ khiến chúng ta:
Quên mất mục tiêu thực sự là để giao tiếp hiệu quả
Lãng phí thời gian học những thứ không cần thiết
Mất tự tin vào bản thân khi thấy mình chưa đủ "sang" hay toàn học trước quên sau.
Vậy có cách nào giúp bạn “mua sắm” có chọn lọc hơn không? Hãy nghe câu chuyện của mình...
2. Từ mua sắm vô tội vạ đến shopping có gu
Hồi mới học tiếng Hàn, mình vẫn mắc bệnh FOMO như thời học tiếng Anh: thấy tài liệu nào hay ho cũng lưu lại để học. Mỗi ngày mình cũng miệt mài học hành đến 1-2 tiếng đồng hồ ý (hồi đầu còn rảnh rảnh chút). Nhưng vì đang sống giữa triệu dân người Hàn, chẳng mấy chốc mình phát hiện những “món đồ” này không ăn nhập tí nào với "hoàn cảnh" thực tế của mình. Ngay cả kiến thức trong sách giáo trình chính thống cũng rất xa vời với những gì mình va đập mỗi ngày.
Trong sách chỉ “dạy” những cách nói chuyện lịch sự, kiểu nói chuyện chỉ có trên tin tức. Còn trong đời sống hàng ngày mọi người nói chuyện xuồng xã hơn nhiều. Trên phim cũng y vậy luôn á. Điều này các bạn học tiếng Hàn rồi sẽ cảm nhận rất rõ nè. Đừng hỏi tại sao bạn học tiếng Hàn nhiều mà không hiểu phim nói gì. Đôi khi lỗi không phải tại bạn đâu ý >”<
Nhận thấy bản thân không thể phí phạm quỹ thời gian vàng ngọc ít ỏi còn sót lại sau những giờ nghiên cứu hại não (vì càng ngày mình càng bận hơn mà), mình quyết định trở thành một "nhà tư vấn" cho chính mình. Mình phải tự chủ trong việc học!!!
Từ đó mình không tải đại tài liệu - học đại kiến thức như trước nữa. Mình không “rinh” bất cứ thứ gì về nhà nếu chưa có kế hoạch học tập và sử dụng rõ ràng.
Xem phim cần hiểu lời thoại nào thì mình trực tiếp tra cái đó. Nói chuyện cần từ vựng ngữ pháp gì thì mình học cái đó. Thay vì cứ phải theo set đồ "sơ-trung-cao cấp" như mọi người, mình phân loại kiến thức theo hai ngăn đơn giản: "cần" và "không cần" với bản thân.
Kết quả là mình có một "tủ đồ" tiếng Hàn vừa vặn với mình, đơn giản mà hiệu quả. Thay vì cố gắng “nạp” nhiều từ vựng và cấu trúc, mình tập trung rèn luyên cách “mix match” vốn kiến thức để nêu ra quan điểm của bản thân. Dần dần chẳng người Hàn nào ở viện nghiên cứu nói tiếng Anh với mình nữa. sau 3 năm mình cũng thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn cao cấp với kiểu học chẳng giống ai này (không học theo giáo trình, không dùng app từ vựng, chỉ học bồi qua giao tiếp và cày Running Man).
Sau này khi được anh chị em bạn dì hỏi nhiều hơn về cách học tập hiệu quả, mình đã tóm gọn lại thành quy tắc CLEAR cho mọi người dễ nhớ. Đây là “shopping guide” chữa bệnh tải đại tài liệu và khiến bạn có gu hơn nhiều ^^
3. Quy tắc CLEAR: Đánh Bay Tài Liệu Chất Đống
Quy tắc CLEAR gồm 5 bước giúp bạn trở thành một "shopping expert" thực thụ trong việc chọn lọc kiến thức, tránh việc "rinh" tài liệu một cách vô tội vạ.
A. Clarify - Xác định mục tiêu shopping
Giống như việc bạn cần biết rõ mình shopping cho dịp gì (đi làm, đi chơi hay dự tiệc), trước khi học ngoại ngữ, bạn cần xác định rõ mục tiêu của mình. Không phải những mục tiêu mơ hồ kiểu "muốn giỏi tiếng Anh" hay "muốn nói tiếng Anh trôi chảy", mà phải cụ thể như:
Tham gia cuộc họp với khách hàng nước ngoài
Nghe hiểu 80% nội dung podcast về chủ đề yêu thích
Đọc được tài liệu chuyên ngành không cần dịch
B. Link - Phân tích nhu cầu thực tế
Sau khi có mục tiêu rõ ràng, hãy xác định rõ:
Những kiến thức bạn thực sự cần để đạt mục tiêu
Những gì bạn đã biết (”tủ đồ” hiện tại của bạn)
Từ đó nhìn rõ những điều bạn thực sự cần bổ sung để hoàn thành mục tiêu, đảm bảo hiệu quả học tập cao nhất.
C. Evaluate - Khảo sát & đánh giá "mặt hàng"
Cũng như việc bạn lướt qua nhiều shop để so sánh giá, đọc review để khảo sát chất lượng, việc chọn tài liệu học cũng cần kỹ càng như vậy.
Đừng vội "xuống tiền" ngay khi thấy khóa học giảm giá 70% hay ebook được share miễn phí. Thay vào đó, hãy:
Xem trong từng nguồn học có bao nhiêu từ vựng/cấu trúc bạn thực sự cần. Liệu 1000 từ vựng phổ biến kia có phải toàn những từ bạn đã biết?
Kiểm tra độ khó của tài liệu có phù hợp không. Đừng cố học tài liệu quá khó với hy vọng "để dành sau này", vì rất có thể bạn sẽ nản và bỏ cuộc giữa chừng
Tính toán thực tế xem mỗi ngày bạn có bao nhiêu thời gian để học. Một khóa học yêu cầu 2 tiếng mỗi ngày liệu có khả thi với lịch làm việc của bạn?
D. Act - Dùng những gì mình mua
Đây là bước QUAN TRỌNG NHẤT. Đừng như những cô nàng nghiện shopping - cứ thích mua về để đó rồi chẳng bao giờ dùng đến. Bạn hãy:
"Xé tag" ngay khi mua - bắt đầu học liền trong vòng 24h sau khi có tài liệu
Dùng hết một món rồi mới mua món khác - học xong phần này rồi mới tải thêm phần mới
E. Review - Đánh giá & điều chỉnh
Sau khi thực sự “sử dụng” tài liệu, bạn sẽ có những cảm nhận riêng của bản thân, nhận biết được tính phù hợp, độ hiệu quả, mức độ “đáng tiền” phải không? Với việc học cũng vậy, hãy liên tục:
Kiểm tra hiệu quả thực tế - kiến thức học được có giúp bạn xử lý được tình huống thực tế không?
Đánh giá trải nghiệm học tập - phương pháp này có phù hợp với thói quen và lịch trình của bạn không?
Rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Liên tục đánh giá và góp ý là cách tốt nhất để giúp các “nhãn hàng” nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng là giúp bạn rút kinh nghiệm để mua sắm những món đồ thiết thực hơn với bản thân trong những lần tiếp theo.
Trước khi học thêm bất cứ điều gì mới, hãy dành 15 phút để kiểm tra lại "tủ đồ" ngoại ngữ của bạn nhé.
Đây là một số gợi ý để bắt đầu:
Kiểm kê "tủ đồ" ngoại ngữ
Mở thư mục tài liệu học tập của bạn
Đếm số tài liệu đã tải về trong 3 tháng qua
Đánh giá xem:
Bạn đã học được bao nhiêu phần trăm mỗi tài liệu?
Bạn đã áp dụng được những gì vào thực tế?
Tìm nguyên nhân
Điều gì khiến bạn tải về những tài liệu này?
Tại sao có những tài liệu bạn chưa học?
Những kiến thức đã học có thực sự cần thiết không?
Lên kế hoạch thay đổi thói quen theo quy tắc CLEAR:
Xác định rõ mục tiêu học tập hiện tại của bạn là gì?
Chọn 3 tài liệu phù hợp nhất với mục tiêu đó
Lập timeline cụ thể để học xong 3 tài liệu này
Hãy dành 15 phút để thực hiện bài tập này. Chia sẻ kết quả của bạn trong phần bình luận nhé!
Quy tắc CLEAR hoạt động như một "shopping guide" linh hoạt - giúp bạn có được những kiến thức thực sự cần thiết cho nhu cầu của mình. Mỗi người sẽ có cách áp dụng khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu và hoàn cảnh thực tế.
Nếu sau bài tập này, bạn thấy "tủ đồ" của mình quá tải với những tài liệu không cần thiết, đừng lo lắng. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ cách tận dụng AI như một "personal shopping advisor" để phân tích và chọn lọc nội dung học tập hiệu quả hơn.
Chuẩn lắm luôn ý Thu ạ. Cái này cần phải được lưu ý để tự nhắc nhở trong nhiều trường hợp nữa chứ không chỉ học ngoại ngữ. Chị cũng sẽ thay đổi phương pháp học tiếng Trung của chị. Cơ mà chị không có cơ hội thực tập nói. Em có tip nào cải thiện vụ speaking trong điều kiện như vậy không?
Hay quá chị ơi. Cái này e cũng bị á. Hồi xưa tải cả đống app xong nhận ra mình chả dùng mấy nên dọn dẹp hết. Giờ vẫn bị một chút nhưng mà không quan trọng bởi vì em đã học đc combo CLEAR, quá hữu ích luôn. Ngay từ chiêu C, là em thấy bừng tỉnh rồi. Hoá ra trước giờ mình không hề cụ thể đủ rõ ràng cho não, bảo sao cứ thấy mất hứng vì cái mình học nó không phải cái mình đang quan tâm. Nhớ lại hồi xưa, con trai bọn em chơi game offline làm nhiệm vụ, từ mới tra trong từ điển nhớ như in. Mà từ cô dạy trên lớp cứ quên sạch. 😄 Khi mình học để phục vụ cái mục tiêu trước mắt thì vào rất nhanh mà dễ nữa. Cảm ơn chị nhiều ạ. Em xin phép lấy "món này" mang về "tủ đồ" để nghiên cứu tiếp ạ.